Lý Giai Kỳ mất một triệu người theo dõi sau khi chê tình hình tài chính của một khách hàng nữ khi đang phát livestream bán mỹ phẩm.

Được nhiều người biết đến bởi biệt danh "ông hoàng son môi" nhờ bán được số lượng lớn mỹ phẩm, Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi) cho biết anh rất tiếc vì đã đưa ra những nhận xét "không phù hợp" trong buổi bán hàng trực tiếp gần đây. Thông thường, các sự kiện bán hàng livestream của Lý thu hút 20 triệu lượt xem.

Theo SCMP, ồn ào bắt đầu khi Lý cố bán một chiếc bút chì kẻ mày với giá 79 nhân dân tệ (11 USD) vào ngày 10/9. Một nữ khán giả đã phàn nàn rằng nó quá đắt, và chính bình luận đó dường như đã khiến Lý tức giận.

"Sao bạn lại nghĩ là nó đắt tiền? Giá nó vẫn như mấy năm trước. Xin đừng nói dối trắng trợn thế. Các thương hiệu trong nước đang phải đối mặt tình thế khó khăn những năm gần đây. Huaxizi (thương hiệu bút chì kẻ mày mà Lý đang bán có trụ sở tại Hàng Châu) lựa chọn nguyên liệu thô một cách cẩn thận và tôi rất quen thuộc với công ty này", anh nói thêm.

Tuy nhiên, chính những bình luận tiếp theo của Lý đã gây ra sự phẫn nộ đặc biệt.

"Đôi khi bạn nên nên suy ngẫm xem tại sao lương của mình không tăng. Có phải vì bạn không làm việc chăm chỉ không? Mức giá này bao nhiêu năm vẫn giữ nguyên nhưng bạn vẫn cho rằng nó đắt. Điều này khiến tôi phát điên", Lý nói.

Nhận xét trên của "ông hoàng son môi" đã tạo ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc, khiến anh phải đưa ra hai lời xin lỗi riêng biệt.

"Tôi xin lỗi vì đã nói điều gì đó không phù hợp và khiến công chúng khó chịu", Lý nói. "Tôi từng là nhân viên bán hàng ở quầy mỹ phẩm. Tôi hoàn toàn hiểu rằng công việc của mọi người đều khó khăn. Những gì tôi nói làm bạn thất vọng. Tôi thực sự xin lỗi".

Lý Giai Kỳ suýt khóc khi xin lỗi khách hàng trong livestream hôm 12/9. Ảnh: Douyin
Lý Giai Kỳ suýt khóc khi xin lỗi khách hàng trong livestream hôm 12/9. Ảnh: Douyin

Tuy vậy, lời xin lỗi của Lý Giai Kỳ vẫn không thể dập tắt được sự phẫn nộ của mọi người, khiến anh tiếp tục phải đưa ra lời xin lỗi thứ hai trong phiên livestream hôm 11/9.

"Tôi đã đọc hết tất cả bình luận của các bạn và cũng đang suy ngẫm về các sai lầm của mình. Tôi thực lòng ghi nhận sự chỉ trích và lời khuyên của các bạn về những bình luận không phù hợp của tôi", Lý Giai Kỳ nước mắt rưng rưng nói. "Từ bây giờ, tôi sẽ ổn định và suy nghĩ nghiêm túc để phục vụ nhiều người hơn, theo cách tốt hơn. Cảm ơn sự phê bình, góp ý và giám sát của các bạn".

Sự nghiệp của Lý Giai Kỳ bắt đầu tại quầy bán hàng L’Oréal trong trung tâm mua sắm ở Nam Xương, phía đông nam tỉnh Giang Tây vào năm 2015.

Anh nhanh chóng trở thành nhà vô địch về doanh số bán hàng của khu vực trước khi chuyển đến Thượng Hải vào năm sau để tham gia vào ngành công nghiệp livestream đang trong giai đoạn mới phát triển ở Trung Quốc vào thời điểm đó.

Phong cách bán hàng và sự tương tác với khán giả đã giúp Lý có được lượng người theo dõi khổng lồ. Anh thậm chí còn được khen ngợi vì đã khuyên khách hàng mua sắm hợp lý.

Các sự kiện livestream mỹ phẩm của Lý Giai Kỳ thường thu hút 20 triệu lượt xem. Ảnh: VCG
Các sự kiện livestream mỹ phẩm của Lý Giai Kỳ thường thu hút 20 triệu lượt xem. Ảnh: VCG

Trước đây, "ông hoàng son môi" từng được khen ngợi vì vô địch hàng nội địa và cũng từng tranh cãi với khách hàng. Tuy nhiên, phản ứng lần này của công chúng lớn tới mức hôm 12/9, đài truyền hình nhà nước CCTV đăng một bài xã luận về vấn đề này, trong đó nhận định việc những người phát sóng livestream "gây chiến" với người tiêu dùng là đang tự hủy hoại bát cơm của chính họ.

"Khi đối mặt câu hỏi từ người tiêu dùng, một người phát sóng trực tiếp có thể giải thích nhiều khía cạnh khác nhau của sản phẩm, nhưng anh ta lại chọn một cách trả lời khó chịu bằng cách chế nhạo tình hình tài chính của ai đó", bài xã luận viết.

Lý Giai Kỳ đã mất một triệu trong số 30 triệu người theo dõi mình trên Weibo sau vụ việc.

Nhận xét gây tranh cãi của anh đã được xem 700 triệu lần trên Weibo và có 20 triệu lượt xem trên Douyin.

Phản ứng chủ yếu mà Lý nhận được là chỉ trích. "Chúng tôi không thất vọng, chúng tôi tức giận!", một người bình luận. "Lý Giai Kỳ, đáng lẽ bạn nên kích thích mua sản phẩm, chứ không phải kích động người tiêu dùng", một người khác nói.